Công việc đặc thù cần có cán bộ tâm huyết

12/12/2011 Lượt xem: 648 In bài viết

Triệu Hồng Sơn Chánh Văn phòng UBDT

Anh Triệu Hồng Sơn, nguyên là cán bộ Vụ Chính sách Dân tộc, Vụ Địa phương I. Hiện nay, anh là Chánh Văn phòng UBDT. Anh đã và đang cùng với tập thể Văn phòng tham mưu cho Lãnh đạo Ủy ban thực hiện nhiều đầu việc quan trọng, có hiệu quả. Chia sẻ với chúng tôi, anh bộc bạch: Làm công tác dân tộc phải tâm huyết, sẵn sàng đi bất cứ địa bàn nào, bằng bất cứ phương tiện nào để đến được với đồng bào...

Với nhiệm vụ của một “ông Chánh” cùng với tập thể lãnh đạo Văn phòng và các Vụ, đơn vị, anh đã tham mưu cho Lãnh đạo Ủy ban thực hiện nhiều nhiệm vụ: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ Nhất; tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước; đoàn diễu hành của khối các dân tộc kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; trở thành đầu mối giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT theo dõi, đôn đốc các Vụ, đơn vị trực thuộc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Uỷ ban; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tham mưu, ban hành nhiều văn bản sửa đổi bổ sung theo hướng đơn giản hoá tối đa các thủ tục...

65 năm, kể từ ngày thành lập Cơ quan quản lý nhà nước về Công tác Dân tộc, năm 2011, là năm đầu tiên UBDT thực hiện Nghị định về công tác dân tộc và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm toàn khóa 2011- 2016. Theo đó, với vai trò, chức năng của mình, Văn phòng sẽ tham mưu cho Lãnh đạo Ủy ban theo dõi, đôn đốc các Vụ, đơn vị trực thuộc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Uỷ ban, đảm bảo phục vụ các hoạt động của các Vụ, đơn vị theo hướng tích cực, khẩn trương, hiệu quả, góp phần để công tác dân tộc đạt hiệu quả cao.

 

Gần 20 năm trong công tác dân tộc, chị đã được Đảng, Nhà nước và UBDT tặng nhiều Bằng khen... chị cũng là một trong những cá nhân điển hình được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ 8. Đó là chị Vy Xuân Hoa, dân tộc Tày, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế: Nói về những kinh nghiệm trong công việc, chị chia sẻ: Không ai có thể làm việc giỏi ngay từ đầu, nhất là đối với công tác dân tộc- một công việc mang tính đặc thù cao. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ và để chính sách đi vào cuộc sống, ngay từ khi nghiên cứu, đề xuất đến việc tổ chức triển khai, kiểm tra thực hiện chính sách, chúng ta phải tích cực đến với đồng bào, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, để hiểu, để chia sẻ và cảm thông với đồng bào. Có như vậy, chúng ta mới phát hiện, đề xuất những chính sách có hiệu quả.

Với cương vị là lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, chị cho rằng, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của bạn bè quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, khi áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm đó vào thực tiễn nước mình, chúng ta cần phải lựa chọn để làm sao cho phù hợp với thực tế vùng dân tộc, miền núi của Việt Nam. Nói lên điều đó để thấy rằng, nước ta có điều kiện địa lý cũng như đặc điểm dân số, phong tục tập quán riêng biệt, vì thế, khi hội nhập, chúng ta phải biết tận dụng những thuận lợi, đồng thời phải luôn giữ được bản sắc của dân tộc mình.

Là người dí dỏm, lại hát hay, anh Chu Tuấn Thanh- người Tày quê Lạng Sơn hiện là Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền: Hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực tuyên truyền về công tác dân tộc, anh đã tham mưu cho Lãnh đạo UBDT nhiều hoạt động tuyên truyền có ý nghĩa chính trị xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết các DTTS trên khắp mọi miền đất nước.

 

Anh cho biết: Tôi đang tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Ủy ban xây dựng, sắp xếp lại Đề án cấp không thu tiền các báo, tạp chí cho đồng bào DTTS (gọi tắt là Đề án 975). Trước đây, Đề án 975 là một trong những chương trình, dự án trọng tâm của Chính phủ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao dân trí vùng đồng bào DTTS. Nay, với xu thế hội nhập và phát triển, cộng với xu thế truyền thông đa phương tiện, Đề án 975 cần phải được nâng tầm lên một vị thế mới đó là, Chính phủ cần ban hành chính sách trong công tác tuyên truyền ở vùng DTTS.

Theo đó, chính sách này cần được mở rộng cả về phạm vi, hình thức, nội dung tuyên truyền trên các kênh truyền thông, như: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử... Có như vậy, công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới hải đảo mới đạt hiệu quả sâu, rộng, thiết thực.

Anh Võ Văn Bảy- Phó Vụ Trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Vụ trực tiếp tham mưu, triển khai các chương trình, dự án lớn của UBDT): Bằng kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác, anh nhìn nhận: Trong quá trình tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, vẫn còn một số bất cập. Bất cập nhất vẫn là người được hưởng lợi từ các chương trình, dự án chưa có đầy đủ thông tin cần thiết về những gì họ được hưởng. Vì thế, nhiều địa phương chưa khơi dậy, phát huy được sức mạnh từ cộng đồng trong mỗi chương trình, dự án, trong khi chính sức mạnh từ cộng đồng mới là yếu tố cơ bản, then chốt để công tác dân tộc đạt nhiều kết quả như mong muốn.

 

Trong thời gian tới, chúng ta cần phải đẩy mạnh vai trò hoạt động của Phòng dân tộc cấp huyện, trên cơ sở bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho họ (đào tạo giáo viên TOT). Từ đó, họ sẽ chuyển tải những thông tin về chế độ chính sách có liên quan đến đồng bào. Đây cũng chính là đội ngũ thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với cán bộ xã, các trưởng thôn, trưởng bản, già làng, người có uy tín trong cộng đồng để phổ biến, triển khai các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án có liên quan đến vùng DTTS.

Nói về sự vất vả, nhọc nhằn của một cán bộ nữ khi tham gia công tác dân tộc, chị Huỳnh Thị SôMaLy- Phó Vụ Trưởng Vụ Địa phương III (TP Cần Thơ) chia sẻ: Làm công tác dân tộc không dễ chút nào. Vì đây là một nghề rất đặc thù, nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau. Người phụ nữ dân tộc làm công tác dân tộc sẽ càng vất vả, khó khăn hơn khi thường xuyên “bỏ nhà” đi công tác vùng sâu, vùng xa. Việc chăm sóc gia đình dường như trông cậy hay nói đúng hơn là “phó thác” hết cho chồng và hai bên gia đình nội, ngoại. Nhiều lúc con ốm, con đau, nhưng vì công việc vẫn phải lên đường.

 

Vì thế, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc thù với đội ngũ những người làm công tác dân tộc nói chung, với những phụ nữ là người DTTS làm công tác dân tộc nói riêng để kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn, tạo động lực cho họ hoàn thành tốt công việc được giao. Đồng thời, khuyến khích được cán bộ nữ tích cực tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ hoàn thành trách nhiệm, thiên chức của mình đối với gia đình, xã hội.

Duy Anh (Theo http://cema.gov.vn)

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập hiện tại: 1253

Tổng số truy cập: 4809700