Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo 5 huyện (Mường La, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Sốp Cộp) triển khai đồng bộ các chính sách được ban hành theo Nghị quyết. Tính đến hết năm 2010, các huyện nghèo đã tiến hành xây dựng kế hoạch, lập dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán cho các công trình. Theo đó, tổng vốn cần được đầu tư hỗ trợ hạ tầng trên 230 tỉ đồng, tỉnh đã giải ngân 127 tỉ đồng; đưa vào sử dụng 61 công trình gồm đường giao thông, thuỷ lợi; bảo đảm trên 50% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được 4 mùa…
Đối với mục tiêu xoá nhà tạm, ở 5 huyện đã xoá được 8.582 nhà đạt 117,35% (kế hoạch rà soát ban đầu là 7.313 nhà). Bình quân mỗi hộ xoá nhà tạm được cộng đồng đóng góp hỗ trợ thêm ngày công, nguyên vật liệu, giá trị ước khoảng 10-15 triệu đồng.
Cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách theo Nghị quyết, gần 45 tỉ đồng được huy động từ các doanh nghiệp: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam hỗ trợ huyện Sốp Cộp 32 tỷ đồng làm nhà, xây dựng phòng học, phòng công vụ giáo viên tại các điểm lẻ của trường tiểu học và mầm non; Tổng Công ty Giấy Việt Nam hỗ trợ huyện Bắc Yên 3 tỷ 100 triệu đồng xoá nhà tạm, hỗ trợ giấy, vở học tập, xây dựng trường học cho xã Hua Nhàn; Tổng Công ty Sông Đà hỗ trợ huyện Mường La 5 tỷ 207 triệu đồng để làm nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động… góp phần đưa, tỉ lệ hộ nghèo ở các địa phương đã giảm xuống dưới mức 35% vào cuối năm 2010 (đạt mục tiêu chung đề ra).
Trong năm 2010, tỉnh đã bố trí đưa 70 trí thức trẻ tham gia công tác tại 5 huyện, góp phần đắc lực trong việc hướng dẫn bà con áp dụng KHKT vào sản xuất; tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chương trình, dự án hiệu quả và ban hành các quyết sách phù hợp.
Ông Thào Xuân Sùng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, đã góp phần tạo nên một diện mạo mới về cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế - xã hội tại 5 huyện nghèo. Song, trong quá trình thực hiện, nổi lên một số vướng mắc đó là: công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, do đó, nhận thức người dân trong việc chủ động tham gia phát triển kinh tế, sản xuất tăng thu nhập, nên việc giảm nghèo vẫn còn chậm. Việc xác định định mức quy định tại các chính sách cụ thể cùng một công việc trên các tiểu vùng địa lý tự nhiên khác nhau còn nhiều lúng túng; một số văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời và đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện 4 nhóm giải pháp chính (hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập; nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nghề; chính sách cán bộ; đầu tư cơ sở hạ tầng); nguồn lực đầu tư trực tiếp của Nhà nước chưa cân đối với mục tiêu đề ra.
Cũng theo ông Thào Xuân Sùng, trong thời gian tới, Sơn La sẽ vận dụng linh hoạt 4 nhóm giải pháp chủ yếu được Nghị quyết đề ra; điều tra và xác định các dự án phải đầu tư, trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và ổn định đời sống cho các bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn ĐBKK và tiềm ẩn du canh, du cư. Tuy nhiên, theo ông, Chính phủ cần có cơ chế thống nhất trong quản lý, điều hành thực hiện lồng ghép nguồn vốn, các chương trình mục tiêu Quốc gia; ưu tiên bố trí vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; rà soát và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thực hiện các dự án trên địa bàn thụ hưởng Nghị quyết 30a…
Minh Thu