Chính phủ điện tử

09/08/2016 Lượt xem: 8005 In bài viết

Khi được triển khai một cách hiệu suất và đúng mục đích, chính phủ điện tử có thể là công cụ có khả năng tạo ra những cơ hội cho sự phát triển của quốc gia và hiện đại hóa khu vực công. Việc sử dụng ICT, mà cụ thể là Internet, mang đến cơ hội phát triển trên một diện rộng các chiến lược, kế hoạch và sáng kiến về chính phủ điện tử. Cùng với khả năng phát huy tính hiệu suất của lực lượng lao động, cung ứng dịch vụ nhanh và tốt hơn, và tăng khả năng tiếp cận tới những thông tin được chia sẻ đối với tất cả những ai được phép, là trách nhiệm giải trình trước công chúng được nâng lên. Các chương trình liên quan đến ICT đều có mục tiêu mở ra những cơ hội mới góp phần cho sự tăng trưởng, sử dụng nhân viên/lao động và tiến hành đổi mới, và thúc đẩy các quốc gia phát triển trong nền kinh tế số mang tính toàn cầu.

ICT đang được nhìn nhận là một trong những phương tiện mang tính xúc tác chủ chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở nhiều nước. Các sáng kiến áp dụng chính phủ điện tử đều nhằm tạo ra môi trường hữu ích hơn giúp cho chính phủ có khả năng cung ứng các dịch vụ cho khách hàng của mình (bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp và khu vực công) một cách hiệu suất, nhanh chóng và chất lượng cao. Ở nhiều nước, việc áp dụng này thường đi liền với các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư nước ngoài trực tiếp. Hiện nay, hàng loạt chính phủ đã chấp thuận những sáng kiến về chính phủ điện tử, chẳng hạn như: (1) Các quy trình công tác trong từng cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước/chính phủ; (2) Các quy trình giải quyết việc giữa người dân, doanh nghiệp và chính phủ; và (3) Thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin.

Những thay đổi do tác động ảnh hưởng từ chính phủ điện tử thường được nhóm thành ba loại: (1) Tác động ảnh hưởng tới người dân (Mong muốn của công dân tăng lên, Thấy rõ hơn các kết quả đạt được trong các chương trình của chính phủ, và Nhận thức của công dân về các điều kiện tiên quyết của xã hội tri thức được nâng lên); (2) Tác động ảnh hưởng tới các quy trình (Các quy trình được hợp lý, đơn giản hóa theo hướng chú trọng cung ứng dịch vụ cho khách hàng, Gia tăng sử dụng thông tin trực tuyến phục vụ cho quá trình ra quyết định và phê duyệt, Các quy trình được hợp nhất mang đến những năng lực toàn diện); và (3) Tác động ảnh hưởng tới tổ chức (Nâng cao nhận thức về chi phí và lợi ích của ICT, Các dự án ICT có được cam kết của các nhà lãnh đạo quản lý cấp cao và có trọng tâm cụ thể, và Trách nhiệm giải trình cao hơn đối với kết quả và việc chi tiêu cho ICT).

Có một số thách thức liên quan đến việc chấp thuận và thực hiện các sáng kiến về chính phủ điện tử, như: (1) Nhu cầu cần phải tăng cường nguồn nhân lực công nghệ thông tin (bao gồm Năng lực quản lý nguồn nhân lực); (2) Cần tăng cường quản trị công về ICT bao gồm quản lý sự thay đổi, các quy trình làm việc, quản lý dự án; (3) Yêu cầu quan trọng đặt ra là phải tăng cường hạ tầng và an ninh ICT; (4) Nhu cầu phải phát triển sự liên kết và hợp nhất các hệ thống thông tin; và (5) Thấm nhuần một cách hiệu quả văn hóa sử dụng ICT trong công chúng và trong cung ứng dịch vụ công.

Để vượt qua những thách thức trên, nhiều chính phủ đã tập trung vào các lĩnh vực sau: (1) Nghiên cứu và hoạch định chính sách về chính phủ điện tử; (2) Tăng cường quan hệ quốc tế liên quan đến chính phủ điện tử; (3) Giám sát chiều hướng và việc thực hiện các dự án về chính phủ điện tử; và (4) Hỗ trợ kỹ thuật và tri thức ICT cho tất cả các bộ và cơ quan nhà nước.

Chính phủ điện tử có thể được hiểu như là việc sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính công để hợp lý hóa và hợp nhất các quy trình và các luồng công việc nhằm quản lý có hiệu quả thông tin và dữ liệu, nâng cao cung ứng dịch vụ công cũng như mở rộng các kênh truyền thông/giao tiếp để gắn kết và tăng cường quyền năng (nâng cao vị thế) của người dân. Nhiều nước trên thế giới đã và đang phát triển và cải tiến chính phủ điện tử. Cần tìm hiểu các thực tiễn tốt từ những chính phủ đã thực hiện thành công để cùng tìm kiếm những chiến lược phát triển hiệu quả nhằm sử dụng một cách tối ưu các công nghệ về chính phủ điện tử đồng thời giúp cho quản trị điện tử trở thành sáng kiến bền vững. Tuy nhiên, cần có cách tiếp cận thận trọng để đạt được mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử hiệu quả vì mỗi nước có bối cảnh chính trị, xã hội và kinh tế khác nhau.

(Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ)

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập hiện tại: 1253

Tổng số truy cập: 4809700