Tăng cường hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường

18/11/2014 Lượt xem: 861 In bài viết

Về quản lý nhà nước tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, triển khai Luật Khoáng sản: Bộ TN&MT đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định. Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 64/2012/TTLT-BTC-BTNMT sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 186/2009/TT-BTC-BTNMT hướng dẫn phương pháp xác định giá trị, phương thức, thủ tục thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của nhà nước và Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP. Thời gian tới, Bộ sẽ ban hành theo thẩm quyền các thông tư về: quy định kỹ thuật công tác điều tra đánh giá địa chất môi trường khoáng sản độc hại; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra nội bộ phòng thí nghiệm trong phân tích mẫu địa chất khoáng sản rắn; định mức kinh tế - kỹ thuật các công trình địa chất; quy định nội dung thanh tra chuyên ngành khoáng sản; quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ chì, kẽm; quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ vàng gốc; quy định chi tiết thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch quy định thủ tục góp vốn của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Trong 8 tháng đầu năm 2014, Bộ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 5,26 tỷ đồng; thu hồi 1 giấy phép khai thác do quá thời gian quy định mà không đưa mỏ vào hoạt động. Sau thanh tra, kiểm tra, Bộ đã có Công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, trong đó xử lý nghiêm các sai phạm, tồn tại trong cấp phép. Đến nay đã có 18/22 tỉnh gửi báo cáo và đã triển khai, khắc phục vi phạm.

Bên cạnh đó, thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bước đầu đạt được một số kết quả tích cực: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản tiếp tục hoàn thiện; tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản “tràn lan” tại nhiều địa phương đã bước đầu được khắc phục; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản hiệu quả hơn. Số doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản tăng; việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản có chuyển biến tích cực, đến cuối tháng 8/2013 đã có trên 90% cơ sở được chứng nhận đạt yêu cầu; công tác ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản đạt kết quả tốt; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mặc dù còn khá “nóng” tại nhiều địa phương nhưng đã giảm hơn về số lượng so với trước đây.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể song công tác triển khai quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường tại các Bộ, ngành và địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Bộ TN&MT đã báo cáo Chính phủ và đang khẩn trương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, trong đó tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản; tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; thu hồi sản phẩm từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản.

Về tổ chức thi hành Luật Đất đai: Ngay sau khi Luật Đất đai 2013 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định, 13 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, có hiệu lực thi hành cùng với Luật đất đai. So với Luật Đất đai năm 2003, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013 đã có nhiều ưu điểm về thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, giảm số điều hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật. Cụ thể, hiện Bộ TN&MT đã trình Chính phủ Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, sẽ trình Chính phủ Nghị định quy định về khung giá đất trong tháng 9 này. Đồng thời, đang hoàn thiện Thông tư quy định việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; 2 Thông tư liên tịch quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai và cơ chế hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất để ban hành trong thời gian tới.

Cùng với đó, ngay sau khi Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành, Bộ TN&MT đã in văn bản, tổ chức các Hội nghị giới thiệu, phổ biến nội dung, tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân nhân và các cơ quan, tổ chức. Việc chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thi hành Luật Đất đai cũng được triển khai quyết liệt. Bộ TN&MT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chị thị số 01/CT-TTg ngày 22/1/2014, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ giải pháp để đưa Luật vào cuộc sống. Bộ đã có các văn bản hướng dẫn triển khai xây dựng bảng giá đất năm 2015; đôn đốc các địa phương rà soát ban hành văn bản thi hành Luật theo thẩm quyền; thống nhất triển khai các vấn đề trong quá trình chuyển tiếp Luật.

Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai có nhiều bước đột phá: Rút gọn số lượng; Quy định cụ thể nơi nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với từng loại thủ tục; Bỏ một số loại giấy tờ phải nộp trong thành phần các loại hồ sơ; Bổ sung quy định giao dịch điện tử, đăng ký điện tử để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trong điều kiện công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển; Quy định cụ thể việc cung cấp thông tin, luân chuyển hồ sơ giữa Văn phòng Đăng ký đất đai, cơ quan thuế và việc xác định nghĩa vụ tài chính. Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng đã được Bộ TN&MT công bố ngày 27/8/2014.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định về thủ tục hành chính về đất đai; Tập trung đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương kiện toàn và tổ chức lại Văn phòng Đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất một cấp trước ngày 31/12/2014 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; Tập trung và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai nhằm đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục; Tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ.

Về tình trạng sử dụng đất lãng phí và việc xử lý tại địa phương: Bộ TN&MT đã phối hợp với các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra trên diện rộng các dự án sử dụng đất chậm tiến độ, gây lãng phí đất đai. Kết quả, tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tính đến ngày 31/12/2013 có 8.909 tổ chức vi phạm với diện tích 137.651 ha. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử lý 5.182/8.909 tổ chức (đạt 62,60%) với diện tích đất 114.177/137.651 ha (đạt 82,90%). Nguyên nhân chủ yếu do Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành thiếu cơ chế để xử lý chi phí đầu tư vào đất còn lại của các chủ đầu tư nên dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi đất. Để khắc phục những hạn chế trên, Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đã bổ sung chế tài xử lý theo hướng cho phép gia hạn 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó. Nếu hết 24 tháng cho phép chậm tiến độ này mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất. Luật cũng đưa ra các quy định để ngăn ngừa phát sinh mới các trường hợp dự án chậm triển khai, để lãng phí đất đai như: Việc giao thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để đảm bảo phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực của địa phương...

Về vấn đề sử dụng đất trồng lúa, triển khai Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa: Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình, dự án của các địa phương. Đến nay, Bộ đã tiếp nhận 115 văn bản của các địa phương đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình, dự án. Bộ đã xử lý, lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 87 văn bản, còn 28 văn bản đang rà soát hoặc đề nghị bổ sung hồ sơ. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận 44 văn bản của Bộ trình, cho phép các địa phương chuyển mục đích 6.013 ha đất (5.724 ha đất lúa, 275 ha đất rừng phòng hộ, 14 ha đất rừng đặc dụng) để thực hiện dự án. Luật Đất đai 2013 và các Nghị định quy định chi tiết tiếp tục kế thừa các quy định của Nghị định số 42/2012/NĐ-CP để kiểm soát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa. Nhằm tạo sự chủ động của các địa phương trong quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Luật đất đai quy định đối với trường hợp dự án có sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương trước khi cho phép chuyển mục đích.

Công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH13: Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1474/CT-TTg và Chỉ thị 05/CT-TTg để triển khai thực hiện; cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện cấp GCN bằng nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả. Tính đến 31/12/2013, các địa phương đã cơ bản hoàn thành mục tiêu (đạt trên 85%) cấp GCN quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội. Cả nước đã cấp được 41,6 triệu GCN với tổng diện tích 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích các loại đất đang sử dụng phải cấp GCN (diện tích cần cấp); trong đó 5 loại đất chính của cả nước đã cấp được 40,7 triệu GCN với tổng diện tích 22,3 triệu ha, đạt 94,6% diện tích cần cấp và đạt 96,7% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp GCN. Như vậy, kết quả cấp GCN lần đầu của cả nước đã đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc một số tỉnh còn một số loại đất chưa hoàn thành cơ bản việc cấp GCN; hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ để hoàn thành cơ bản vào năm 2015.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo các vụ việc khiếu nại tố cáo, tồn đọng kéo dài, Bộ TN&MT đã giải quyết cơ bản vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ và rà soát, thống nhất giải quyết 29/30 vụ việc tồn đọng, kéo dài trong 528 vụ việc. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của ngành, địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đảm bảo giải quyết kịp thời, hiệu quả; hạn chế phát sinh vụ việc đông người, phức tạp mới; làm chuyển biến nhận thức, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và chính trị xã hội. Nhiều địa phương đã chủ động có văn bản hoặc trực tiếp làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để trao đổi, xin ý kiến về các vướng mắc trong giải quyết vụ việc phức tạp, tạo sự đồng thuận cao trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn tồn tại, hạn chế và khó khăn trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp, một số địa phương; Nguồn nhân lực làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng ở cả cấp Trung ương và địa phương...

(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)