Đánh giá 10 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và phương hướng cải cách giai đoạn 2011 – 2020

04/11/2014 Lượt xem: 3182 In bài viết

I. Về cải cách tổ chức bộ máy Chính phủ

Trên cơ sở rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính. Trong 10 năm qua, cơ cấu tổ chức Chính phủ đã được tiến hành sắp xếp, kiện toàn vào các năm 2002 và 2007 tương ứng với cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XI (2002-2007) và cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII (2007-2011).

1. Cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XI

Trên cơ sở kế thừa cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa X việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XI đảm bảo tinh gọn, hợp lý hơn; giảm đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đến mức cần thiết, cụ thể như:

- Thời điểm năm 2001, cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa X có 48 cơ quan (trong đó có 23 bộ, cơ quan ngang bộ và 25 cơ quan thuộc Chính phủ). Chính phủ có 31 thành viên bao gồm Thủ tướng Chính phủ, 05 Phó Thủ tướng Chính phủ, 23 thành viên Chính phủ là Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ và hai Bộ trưởng được phân công phụ trách cơ quan thuộc Chính phủ. Sau khi sắp xếp, kiện toàn lại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XI (2002-2007) bao gồm:

+ Tổ chức bộ máy Chính phủ: tổng số có 37 cơ quan, trong đó có 26 bộ, cơ quan ngang bộ và 11 cơ quan thuộc Chính phủ (so với Chính phủ khoá X giảm được 11 đầu mối; trong đó, tăng 03 bộ, cơ quan ngang bộ, chủ yếu trên cơ sở hợp nhất, tổ chức lại các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước do vậy đã giảm được 14 cơ quan thuộc Chính phủ).

+ Thành viên Chính phủ có 30 thành viên, bao gồm: Thủ tướng Chính phủ, 03 Phó Thủ tướng Chính phủ, 26 thành viên Chính phủ là Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ (so với Chính phủ khoá X có 31 thành viên Chính phủ giảm 01 thành viên). Đây là nhiệm kỳ Chính phủ có số lượng Phó Thủ tướng tinh gọn nhất, nhưng vận hành, điều hành công việc vẫn trôi chảy, có hiệu quả.

* Điểm nhấn mạnh về sắp xếp, kiện toàn các bộ, cơ quan ngang bộ,cơ quan thuộc Chính phủ mang tính cải cách như sau:

- Thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở tổ chức lại Tổng cục Địa chính, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn và điều chuyển chức năng quản lý về môi trường từ Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường sang Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý; điều chuyển chức năng quản lý về tài nguyên nước từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; điều chuyển chức năng và tổ chức quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản từ Bộ Công nghiệp sang Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.

- Thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông trên cơ sở nâng cấp và tổ chức lại Tổng cục Bưu điện; điều chuyển chức năng quản lý về công nghệ thông tin từ Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường sang Bộ Bưu chính, Viễn thông quản lý.

- Thành lập Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, Uỷ ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em Việt Nam; giao thêm chức năng quản lý nhà nước về gia đình cho Uỷ ban này quản lý để tạo sự liên thông giữa các lĩnh vực nêu trên vào một cơ quan của Chính phủ thực hiện và chịu trách nhiệm.

- Đổi tên Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ thành Bộ Nội vụ; chuyển Học viện Hành chính Quốc gia vào Bộ Nội vụ quản lý.

- Đổi tên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành Bộ Khoa học và Công nghệ (sau khi chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường sang Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý).

- Đổi tên Uỷ ban Dân tộc và Miền núi thành Uỷ ban Dân tộc (chuyển chức năng quản lý về miền núi cho các bộ có liên quan thực hiện).

- Đổi tên Thanh tra Nhà nước thành Thanh tra Chính phủ (theo Luật Thanh tra)

 

- Chuyển Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước từ cơ quan thuộc Chính phủ vào Bộ Tài chính để thống nhất quản lý về thị trường vốn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của thị trường chứng khoán phát triển có hiệu quả.

 

- Chuyển Tổng cục Hải quan từ cơ quan thuộc Chính phủ vào Bộ Tài chính để thống nhất quản lý các nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tiện lợi cho việc phối hợp với các cơ quan chuyên trách về thuế thuộc Bộ Tài chính.

 

+ Chuyển Ban Vật giá Chính phủ từ cơ quan thuộc Chính phủ vào Bộ Tài chính quản lý và tổ chức lại thành Cục Quản lý giá để phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính về các lĩnh vực có liên quan đến thẩm định giá và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước.

 

+ Chuyển Cục Hàng không dân dụng Việt Nam từ cơ quan thuộc Chính phủ vào Bộ Giao thông vận tải để thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các chuyên ngành giao thông vận tải.

 

+ Chuyển Tổng cục Thống kê từ cơ quan thuộc Chính phủ vào Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho quản lý kinh tế vĩ mô.

 

+ Đổi tên Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia thành Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

 

+ Đổi tên Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia thành Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

 

+ Thành lập mới Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan thuộc Chính phủ để giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thi đua - khen thưởng theo Luật Thi đua - Khen thưởng trong tình hình mới.

 

2. Cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XII (2007-2011)

 

Trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống, tham nhũng lãng phí; Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước và triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2010, cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII tiếp tục được kiện toàn trên cơ sở rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, khắc phục sự chồng chéo hoặc bỏ trống để hình thành các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô được mở rộng hợp lý hơn; giảm đáng kể đầu mối tổ chức đến mức cần thiết, phù hợp với yêu cầu đổi mới chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ trong tình hình mới.

 

Theo đó, cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII có 30 cơ quan, trong đó có 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 08 cơ quan thuộc Chính phủ (so với Chính phủ khoá XI giảm được 07 đầu mối; trong đó, giảm 04 bộ, cơ quan ngang bộ).

 

Thành viên Chính phủ có 27 thành viên, bao gồm: Thủ tướng Chính phủ, 05 Phó Thủ tướng Chính phủ, 21 thành viên Chính phủ là Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (có 01 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; so với Chính phủ khoá XI có 30 thành viên Chính phủ, đã giảm 03 thành viên).

 

Đánh giá chung

 

- Trọng tâm cải cách cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XI chủ yếu tập trung vào sắp xếp các cơ quan thuộc Chính phủ theo hai hướng:

 

+ Hợp nhất các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước để hình thành bộ hoặc cơ quan ngang bộ nhằm bước đầu thu gọn đầu mối quản lý, sau này làm cơ sở cho việc tiếp tục sắp xếp, kiện toàn trong các nhiệm kỳ Chính phủ theo mục tiêu dài hạn hơn.

 

+ Sáp nhập các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước vào các bộ quản lý ngành tương ứng, để hình thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô mở rộng hơn, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực trong mối quan hệ đa ngành, đa lĩnh vực.

 

- Điểm nhấn mạnh ở đây là:

 

+ Kết quả của việc sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu tổ chức Chính phủ qua thực tế hoạt động đã khẳng định mô hình tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực là chủ trương, quan điểm đúng, bước đi thích hợp với trình độ, điều kiện quản lý để đảm bảo hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn và góp phần tích cực vào việc khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; nhất là trong hoạch định thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển chung và phát triển các ngành, lĩnh vực.

 

+ Cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XI, về cơ bản đã khắc phục được tình trạng “cơ cấu phụ” lấn át “cơ cấu chính”, bảo đảm đúng thực chất tổ chức bộ máy Chính phủ là các bộ và cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo đa ngành, đa lĩnh vực; giảm đáng kể số lượng các cơ quan thuộc Chính phủ đến mức cần thiết. Tuy nhiên, trong số các cơ quan thuộc Chính phủ vẫn còn một số cơ quan có chức năng quản lý nhà nước cần được tiếp tục sắp xếp, điều chỉnh trong cơ cấu tổ chức Chính phủ các khóa tiếp theo.

 

Cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII có bước cải cách căn bản hơn trong việc sắp xếp kiện toàn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đặc biệt là chuyển đổi không còn các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực. Khái quát chung, về cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII như sau:

 

- Sắp xếp, kiện toàn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô ngày càng được hoàn thiện hợp lý hơn. Vấn đề cần nhấn mạnh ở đây là theo mục tiêu, quan điểm cải cách nếu tổ chức nào cần thiết phải có thì vẫn thành lập, nhưng tổ chức nào xét thấy không cần thiết thì kiên quyết điều chỉnh chức năng và sáp nhập hoặc giải thể tổ chức. Trên cơ sở đó đã tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy thông qua các hình thức sau:

 

+ Hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại và giải thể một số bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng, nhiệm vụ và phạm vi, đối tượng quản lý giống nhau, gần nhau, liên thông với nhau và phương thức quản lý tương tự nhau vào một bộ để tinh gọn hợp lý bộ máy và khắc phục đáng kể sự chồng chéo, giao thoa hoặc chưa rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và đối tượng quản lý giữa các bộ, ngành với nhau; đặc biệt là sắp xếp, điều chỉnh mạnh một số cơ quan ngang bộ theo yêu cầu giảm bớt loại hình cơ quan là ủy ban; trong đó: giải thể ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; hợp nhất ủy ban Thể dục Thể thao vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; theo đó tổ chức lại ủy ban Thể dục thể thao thành Tổng cục Thể dục thể thao.

 

+ Đã chuyển các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước vào các bộ quản lý; không còn cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước. Sự cải cách này đánh dấu một mốc quan trọng là kết thúc loại hình cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước tồn tại trong nhiều khóa Chính phủ; đã thu gọn đáng kể số lượng các cơ quan thuộc Chính phủ đến mức cần thiết để chuyển sang hoạt động theo cơ chế mới - tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

 

Sau 10 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa sau tinh gọn, hợp lý hơn; số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ từ 48 cơ quan (năm 2001) đến năm 2010 còn 30 cơ quan (giảm được 18 cơ quan). Trong quá trình kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ luôn tuân theo định hướng phải xác định đúng, và rõ số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu tổ chức Chính phủ để từng bước đi đến ổn định cần thiết và hợp lý.

 

Kết quả cải cách tổ chức bộ máy đáng ghi nhận là:

 

- Đã hình thành được các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực giúp cho bộ máy tổ chức Chính phủ được tinh gọn, khắc phục đáng kể tình trạng bỏ trống hoặc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo tính thống nhất, thông suốt và liên thông giữa các ngành, lĩnh vực khi nằm trong cùng một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

 

- Chuyển đáng kể các cơ quan ngang bộ theo hướng thu gọn dần số lượng để chuyển thành bộ; cần thiết điều chuyển chức năng, nhiệm vụ để sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể tổ chức. Đặc biệt, thực hiện được mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính đó là không còn loại hình cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, thu gọn số lượng các cơ quan thuộc Chính phủ đến mức cần thiết, khẳng định các cơ quan thuộc Chính phủ là đơn vị sự nghiệp chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

 

II. Cải cách cơ cấu tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

 

1. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ

 

Theo yêu cầu cải cách hành chính, thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ ngày càng được xác định rõ loại hình tổ chức và có một số điều chỉnh mới như sau:

 

- Tách bạch được chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ với chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, phù hợp với cơ chế quản lý mới trong kinh tế thị trường,và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

- Kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, gồm:

 

+ Văn phòng;

 

+ Thanh tra;

 

+ Các Vụ chức năng;

 

+ Các Cục, Tổng cục và tương đương;

 

+ Có các tổ chức sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước.

 

- Xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục (loại I), Tổng cục và tương đương.

 

- Quy định thống nhất cơ cấu tổ chức của Cục, Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; trong đó xác định rõ chức năng của Cục, Tổng cục và tương đương, vừa tham mưu, vừa giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật chuyên ngành, lĩnh vực.

 

- Thể chế hóa việc phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm quản lý về tổ chức, cán bộ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ theo nguyên tắc: tổ chức được quản lý thống nhất, còn cán bộ phân cấp quản lý tối đa, bảo đảm cấp nào quản lý cán bộ thì cấp đó quyết định bổ nhiệm, cách chức để gắn thẩm quyền với trách nhiệm.

 

- Trên cơ sở đó, trong quá trình xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ đã sắp xếp, tổ chức lại tương đối đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với tính chất, quy mô, phạm vi, đối tượng quản lý các ngành, lĩnh vực, cụ thể:

 

+ Các tổ chức có chức năng tham mưu, thực thi pháp luật được tổ chức dưới các loại hình tổ chức: Vụ, Cục, Tổng cục hoặc các tổ chức tương đương.

 

+ Các tổ chức sự nghiệp có chức năng phục vụ quản lý nhà nước được quy định thuộc cơ cấu tổ chức của các bộ; các tổ chức sự nghiệp khác còn lại được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định riêng về danh sách các tổ chức sự nghiệp thuộc bộ quản lý.

 

2. Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ

 

- Triển khai cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII, Chính phủ đã ban hành từng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức đối với từng cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động sự nghiệp của từng cơ quan.

 

- Để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước đối với các hoạt động sự nghiệp của các cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ đã phân công các thành viên Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực đối với các cơ quan thuộc Chính phủ.

 

3. Đánh giá chung

 

- Chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ đã được rà soát, điều chỉnh bổ sung theo hướng tập trung vào chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực theo phân công, phân cấp của Chính phủ.

 

- Nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ trong các Nghị định của Chính phủ đã phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng cấp:

 

+ Những việc trình Chính phủ xem xét, quyết định.

 

+ Những việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

+ Những việc do mình tự quyết định và chịu trách nhiệm.

 

- Cơ cấu tổ chức được kiện toàn như sau:

 

+ Các Vụ chức năng và tổ chức tương đương: Vụ, Thanh tra, Văn phòng thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc. Các loại tổ chức này có xu hướng giảm dần qua các nhiệm kỳ Chính phủ.

 

+ Các Tổng cục và tương đương thực hiện chức năng tham mưu và giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước chuyên sâu, ổn định và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp không phân cấp hoặc phân cấp hạn chế cho địa phương.

 

+ Cục quản lý chuyên ngành, lĩnh vực được tổ chức để thực hiện chức năng tham mưu gắn với tổ chức thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu xử lý trực tiếp theo phân cấp, uỷ quyền trên cơ sở các trình tự, thủ tục trong quy trình quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

 

- Điểm cần nhấn mạnh ở đây là:

 

+ Trong cơ cấu tổ chức của bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực thì các vụ và tổ chức tương đương làm chức năng tham mưu không nhiều và có xu hướng giảm dần. Nhưng các tổ chức quản lý chuyên ngành, lĩnh vực (Tổng cục, Cục và tổ chức tương đương) vừa thực hiện chức năng tham mưu, vừa tổ chức thực thi không những không giảm mà còn tăng thêm do yêu cầu thực tế đòi hỏi. Việc các tổ chức quản lý chuyên ngành, lĩnh vực có xu hướng tăng lên là do:

 

+ Việc kiện toàn và tăng thêm các tổ chức quản lý chuyên ngành để tạo điều kiện cho công tác tham mưu, thực thi quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được tốt hơn; thực tế, các tổ chức quản lý chuyên ngành, lĩnh vực làm nền tảng cho sự phát triển, tạo điều kiện để mở rộng hơn quy mô tổ chức các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực trong việc phối hợp giải quyết đồng bộ các vấn đề liên ngành có hiệu quả hơn.

 

+ Các tổ chức quản lý chuyên ngành có tính độc lập tương đối theo đặc điểm, tính chất của từng chuyên ngành. Vì vậy, các tổ chức quản lý chuyên ngành tuy nằm trong cùng cơ cấu tổ chức của bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nhưng không hoà tan mất tính chuyên ngành, ngược lại, điều quan trọng hơn là hình thành nên cơ chế phối hợp giữa các chuyên ngành trong cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực để bổ sung, hỗ trợ, tạo hợp lực phát triển có hiệu quả hơn.

 

+ Trong quá trình sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực cần xác định các chuyên ngành là cơ sở để phát triển, từ đó dù tách - nhập tổ chức theo mô hình quản lý nào vẫn không được làm mất đi hay xa rời tính chuyên ngành, điều cần thiết là phải duy trì hoặc chuyển giao cho các bộ tương ứng quản lý. Đối tượng chuyên ngành cần quản lý phát triển chuyên sâu theo sự phát triển của lực lượng sản xuất, và tiến bộ khoa học -kỹ thuật-công nghệ, vì vậy cần được giữ ổn định, thường xuyên, liên tục trong mối quan hệ phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.

 

- Tổng hợp quá trình sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII, cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ có sự biến động như sau:

 

+ Vụ và tương đương: giảm 27

 

+ Cục và tương đương: tăng 22

 

+ Tổng cục và tương đương: tăng 19

 

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước các chuyên ngành, lĩnh vực trong tình hình mới theo xu hướng các vụ chức năng giảm đi, nhưng các Cục, Tổng cục và tương đương tăng lên ở mức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tế đòi hỏi, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các chuyên ngành, lĩnh vực.

 

III. Cải cách các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

 

Sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với kiện toàn tổ chức các bộ, ngành Trung ương theo các khóa Chính phủ như sau:

 

1. Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương ứng với cơ cấu Chính phủ khóa XI

 

a) ở cấp tỉnh:

 

- Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được tổ chức thống nhất: 19 cơ quan

 

- Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được tổ chức theo đặc thù riêng của một số địa phương: 07 cơ quan

 

b) ở cấp huyện:

 

- Cơ quan chuyên môn cấp huyện được tổ chức thống nhất: 12 cơ quan

 

- Cơ quan chuyên môn cấp huyện được tổ chức theo đặc thù riêng của một số địa phương: 03 phòng (Phòng Dân tộc; Phòng Tôn giáo; ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em).

 

2. Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương ứng với cơ cấu Chính phủ khóa XII

 

a) ở cấp tỉnh:

 

- Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được tổ chức thống nhất: 17 cơ quan

 

- Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được tổ chức theo đặc thù riêng của một số địa phương để có thêm 03 cơ quan sau: Sở Ngoại vụ; Ban Dân tộc; Sở Quy hoạch - Kiến trúc (đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).

 

b) ở cấp huyện:

 

- Cơ quan chuyên môn cấp huyện được tổ chức thống nhất: 10 cơ quan

 

- Cơ quan chuyên môn được tổ chức để phù hợp với từng loại đơn vị hành chính cấp huyện: 02 cơ quan

 

- Cơ quan chuyên môn cấp huyện được tổ chức theo đặc thù riêng của một số địa phương: 01 cơ quan (Phòng Dân tộc)

 

3. Đánh giá chung

 

Qua các nhiệm kỳ Chính phủ, số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ngày càng giảm dần như sau:

 

- Cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất: từ 19 cơ quan ở cấp tỉnh và 12 cơ quan ở cấp huyện giảm xuống còn 17 cơ quan ở cấp tỉnh và 10 cơ quan ở cấp huyện.

 

- Cơ quan chuyên môn được tổ chức đặc thù ở từng địa phương theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định: từ 7 cơ quan ở cấp tỉnh và 3 cơ quan ở cấp huyện giảm xuống còn 3 cơ quan ở cấp tỉnh và 01 cơ quan ở cấp huyện.

 

- Tiếp tục phân định rõ hơn chức năng, mô hình tổ chức của chính quyền đô thị với chính quyền ở nông thôn để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước.

 

IV. Một số tồn tại, nguyên nhân và thực tế đặt ra

 

1. Về rà soát, điều chỉnh và phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan với nhau

 

Việc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan với nhau còn một số tồn tại sau:

 

a) Quản lý về các nguồn nước và công tác thủy lợi, phân phối tài nguyên nước với khai thác sử dụng, phát triển thủy lợi giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

b) Quản lý nhà nước về năng lượng giữa Bộ Công Thương với Bộ Khoa học và Công nghệ chưa theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một bộ thực hiện và chịu trách nhiệm.

 

c) Quản lý về đa dạng sinh học và bảo tồn hệ sinh thái giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

d) Quản lý nhà nước về công trình giao thông tại các đô thị giữa ngành giao thông và ngành xây dựng.

 

đ) Quản lý về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm tuy về mặt pháp lý đã được phân định tương đối cụ thể cho một số bộ có liên quan trực tiếp, nhưng trên thực tế rất khó xác định rõ trách nhiệm của từng bộ đến đâu, vì vậy khi xảy ra vấn đề không xác định được rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan nào trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

e) Quản lý nhà nước về rừng và đất rừng giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

g) Quản lý nhà nước về chất thải đô thị, nông thôn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Xây dựng và các bộ có liên quan.

 

h) Quản lý nhà nước về an toàn lao động đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Công Thương và các bộ có liên quan.

 

i) Phân định và phân công, phân cấp thực hiện chức năng đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm; đặc biệt khi xảy ra vấn đề gì không quy được trách nhiệm thuộc về ai và ở cấp nào?

 

Tất cả những tồn tại, hạn chế về chức năng, nhiệm vụ nêu trên gắn với việc xã hội hóa để các tổ chức xã hội cùng thực hiện ở mức độ chưa nhiều, do còn tuỳ thuộc vào điều kiện và khả năng cho phép để các cơ quan nhà nước từng bước chuyển giao những công việc không nhất thiết nhà nước phải làm cho các tổ chức xã hội thực hiện.

 

2. Về tổ chức bộ máy và địa vị pháp lý đối với một số cơ quan

 

a) Về xác định tiêu chí thành lập bộ, cơ quan ngang bộ:

 

Hiện nay, việc xác định cơ quan nào là bộ, cơ quan nào là cơ quan ngang bộ chưa có tiêu chí cụ thể. Mặc dù theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ thì các bộ, cơ quan ngang bộ đều có chức năng quản lý nhà nước nhưng trong thực tế các cơ quan ngang bộ có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức rất khác nhau, cụ thể:

 

- Văn phòng Chính phủ được xác định là cơ quan ngang bộ, nhưng không có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

 

- ủy ban Dân tộc được xác định là cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Tuy nhiên, do tính đặc thù nên ủy ban Dân tộc vừa làm chức năng chủ trì quản lý nhà nước, vừa làm chức năng phối hợp với các bộ, ngành có liên quan; theo đó cơ cấu tổ chức của ủy ban Dân tộc ngoài Chủ nhiệm ủy ban, các Phó Chủ nhiệm ủy ban còn có các thành viên ủy ban Dân tộc là Thứ trưởng của các bộ, ngành có liên quan.

 

- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang bộ vừa có chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, vừa làm chức năng của Ngân hàng Trung ương và là cơ quan quản lý ngành dọc tập trung, thống nhất, không phân cấp cho địa phương.

 

- Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ vừa có chức năng quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra, vừa trực tiếp tổ chức hoạt động thanh tra các đối tượng, vụ việc theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

b) Về thành lập các tổng cục và tương đương trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ:

 

- Thực tế hiện nay việc thành lập các tổng cục và tương đương chưa thực hiện theo tiêu chí quy định tại Điều 20 của Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên, xuất phát từ quy mô và vị trí quan trọng của một số ngành, lĩnh vực đối với sự phát triển chung của cả nước, nên Chính phủ đã thành lập một số tổng cục và tương đương, như:

 

+ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

+ Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

 

+ Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Theo đó, mô hình tổ chức tổng cục và cơ cấu tổ chức bên trong của các tổng cục cũng như tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực ở địa phương chưa thống nhất, vì liên quan đến phân cấp quản lý của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và hướng dẫn của liên bộ có liên quan về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy quản lý ngành, lĩnh vực đó.

 

c) Về tuân thủ các quy định thành lập mới tổ chức hành chính:

 

- Việc thành lập mới tổ chức hành chính chưa tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc theo Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17/8/2006 của Chính phủ Quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước mà còn cài đặt ngay trong các Nghị định, Đề án khác, như:

 

+ Cơ quan Kiểm soát thủ tục hành chính trực thuộc Văn phòng Chính phủ (được quy định ngay trong Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính).

 

+ Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp (được quy định ngay trong Luật thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự).

 

- Vẫn còn tình trạng thành lập tổ chức hành chính được quy định ngay trong các Luật chuyên ngành, như:

 

+ Cục Hoá chất (được quy định ngay trong Luật Hoá chất).

 

+ Cục Điều tiết điện lực (được quy định ngay trong Luật Điện lực).

 

d) Về địa vị pháp lý của một số cơ quan:

 

Đối với một số cơ quan hiện nay vẫn chưa xác định rõ vị trí pháp lý, gồm:

 

- ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

 

- Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

 

- Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

 

3. Về hình thức lấy ý kiến thành viên Chính phủ và ban hành các nghị định của Chính phủ

 

Thực tế việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn có một số hạn chế sau:

 

- Hình thức lấy phiếu ý kiến thành viên Chính phủ đối với các dự thảo Nghị định còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự khách quan và chất lượng, ý kiến tham gia còn hạn chế. Việc ban hành các Nghị định cần phải dành thời gian thỏa đáng trong các cuộc họp Chính phủ để thảo luận đầy đủ, sâu sắc mới làm rõ được các vấn đề, tạo sự thống nhất cao để văn bản có chất lượng, đi vào cuộc sống.

 

- Các nội dung được tổng hợp trong phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ chủ yếu do Văn phòng Chính phủ chuẩn bị, thực tế chưa thể hiện được vấn đề cốt lõi cần xin ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo không được thông tin đầy đủ về nội dung cần xin ý kiến các thành viên Chính phủ, do đó, việc áp dụng hình thức thông qua theo đa số ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí chưa thực sự phù hợp, nhất là khi ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo không nhất trí với nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ.

 

4. Về số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó

 

Hiện nay, số lượng các thứ trưởng thuộc các bộ quá nhiều so với quy định của Chính phủ: theo Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ không quá 04 thứ trưởng và tương đương nhưng trong thực tế có những bộ như:

 

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: trước đây có 10 thứ trưởng, nay còn 09 thứ trưởng.

 

- Bộ Công Thương: trước đây có 10 thứ trưởng, nay còn 09 thứ trưởng.

 

- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính: 07 thứ trưởng.

 

- Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ: 06 thứ trưởng.

 

- Các bộ còn lại (không kể Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) có 05 thứ trưởng (trừ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp và ủy ban Dân tộc).

 

Trên trực tế, tuy việc bổ sung thứ trưởng tại một số bộ được đặt ra trong bối cảnh bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có nhiều tổng cục đã được thành lập hoặc thành lập mới, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm thứ trưởng của bộ kiêm tổng cục trưởng. Tuy nhiên, xét về cơ chế chỉ đạo - điều hành sẽ không rõ vai trò, chức trách khi nào là thứ trưởng với tư cách là lãnh đạo bộ đối với tổng cục, khi nào là vai tổng cục trưởng chịu sự lãnh đạo, điều hành của bộ, dẫn đến khó khăn trong việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức. Việc này, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn nhiều lần Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tình trạng có quá nhiều cán bộ lãnh đạo cấp thứ trưởng thuộc các bộ, ngành Trung ương. Tiếp đó, đối với một số bộ có số lượng cán bộ cấp phó của tổ chức vụ, cục cũng nhiều hơn theo quy định. Có những vụ có tới 7- 8 phó vụ trưởng, trong khi Chính phủ quy định không quá 03 cán bộ lãnh đạo cấp phó.

 

5. Về xếp hạng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ

 

- Hiện nay vẫn chưa có văn bản chính thống quy định đầy đủ về phân loại và xếp hạng cục thuộc bộ, theo đó, chưa rõ tiêu chí và thẩm quyền quy định việc xếp hạng, nâng cấp từ Cục hạng III lên hạng II và Cục hạng II lên hạng I.

 

- Thực tế hiện nay việc xếp hạng cục thiếu thống nhất, có một số bộ tự nâng cấp Cục hạng III lên hạng II, nhưng cũng có một số bộ có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ chấp thuận việc nâng cấp từ cục hạng III lên hạng II.

 

- Việc nâng cấp Cục hạng I gặp nhiều vướng mắc về thủ tục và cấp có thẩm quyền quyết định. Mặc dù Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ có quy định Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục hạng I; nhưng thực tế việc quyết định xếp Cục hạng I lại không quy định rõ thẩm quyền thuộc cấp nào, vì thế gây nên tình trạng lúng túng khi trình và thẩm định đề án xếp hạng đối với Cục loại I.

 

6. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

 

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp sau:

 

Một là: Do việc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ vốn là vấn đề phức tạp, không đơn giản, nhất là trong quá trình tổ chức thực hiện. Thực tế dù có sự phân công rõ chức năng, nhiệm vụ trên văn bản nhưng quá trình thực hiện vẫn có những nội dung công việc liên quan đến nhau không dễ tách bạch hoàn toàn công việc của từng bộ, đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp. Mặt khác, có một số luật chuyên ngành và nghị định hướng dẫn thực hiện chưa bảo đảm nguyên tắc mỗi việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện, và chịu trách nhiệm, chưa thực sự khách quan, nên tạo ra sự chồng chéo, trùng dẫm chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan với nhau.

 

Ví dụ: quản lý nhà nước về các dạng năng lượng: điện, dầu khí hiện nay Chính phủ đang phân công cho Bộ Công thương quản lý, trong khi Luật Năng lượng nguyên tử lại giao Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử, dẫn đến Chính phủ có 2 Bộ đều thực hiện chức năng quản lý nhà nước về năng lượng.

 

Hai là: Việc thực hiện các quy định của Chính phủ về thành lập các tổ chức hành chính theo Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17/8/2006 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước chưa được thực hiện nghiêm túc. Ví dụ: như một số luật chuyên ngành quy định ngay việc thành lập một số cơ quan hành chính cấp cục trực thuộc bộ, trong khi lẽ ra việc thành lập loại cơ quan này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Ba là: Về số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó quá nhiều so với quy định, là do nguyên nhân chính sau:

 

- Sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa kiên quyết trong việc chấp hành các quy định của Đảng, Chính phủ đối với các bộ, cơ quan ngang bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng là giảm cấp phó, bỏ cấp trung gian và quy định tại Nghị định số 178/NĐ-CP ngày 3/12/2007 của Chính phủ quy định mỗi bộ, cơ quan ngang bộ không quá 04 thứ trưởng và tương đương, trong thực tế một số bộ có số lượng cấp phó tăng thêm quá nhiều như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có tới 10 thứ trưởng như hiện nay là không phù hợp.

 

- Mặt khác, do yêu cầu thực hiện sự luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương lên Trung ương và thực hiện chính sách cán bộ nữ theo Luật Bình đẳng giới nên số lượng thứ trưởng ở một số bộ tương đối nhiều so với quy định. Tuy nhiên, việc này sau Đại hội đảng lần thứ XI sẽ được điều chỉnh số cán bộ lãnh đạo này giữa các bộ, ngành, cơ quan lãnh đạo của Đảng và địa phương để từng bước có số lượng thứ trưởng hợp lý theo quy định.

 

Bốn là: Do Chính phủ phải ban hành quá nhiều Nghị định, không đủ thời gian họp Chính phủ để thảo luận, vì vậy phải dùng hình thức lấy Phiếu ý kiến thành viên Chính phủ để thông qua và ban hành, ngoài ra việc Thủ tướng Chính phủ chưa phân cấp cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định và chịu trách nhiệm các vấn đề thuộc chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ đã dẫn đến tình trạng dồn nhiều việc lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải giải quyết.

 

7. Một số vấn đề thực tiễn đặt ra

 

Một là: Công tác quản lý kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là năng lực dự báo, giám sát và xử lý tài chính quốc gia trở thành yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế, nhưng đây vẫn là khâu yếu trong quản lý, điều hành vĩ mô của Chính phủ, của các bộ, cơ quan ngang bộ. Thông tin kinh tế, và tài chính quốc gia do có nhiều bộ, ngành tham mưu, dẫn đến thiếu tính tập trung, thống nhất gây ảnh hưởng đến chất lượng dự báo và khả năng kiểm soát, giám sát tình hình tài chính quốc gia. Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung xác định rõ đầu mối tổ chức chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về các vấn đề này.

 

Hai là: An ninh năng lượng đã trở thành vấn đề toàn cầu đối với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển có nhu cầu về năng lượng rất lớn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. ở Việt Nam hiện nay, lĩnh vực năng lượng đang được phân công cho hai bộ quản lý đó là: Bộ Công Thương quản lý nhà nước về điện (dạng năng lượng truyền thống như: nhiệt điện và thủy điện ngày càng bị hạn chế), năng lượng mới, năng lượng tái tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử (nguồn năng lượng chủ yếu trong tương lai). Để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng cần thống nhất đầu mối cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về năng lượng.

 

Ba là: Vấn đề thủy lợi và phòng chống thiên tai hiện nay rất phức tạp, do tác động của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu là thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay. Đây chính là yêu cầu thực tiễn khách quan, đòi hỏi Chính phủ cần xác định đúng tầm quan trọng của vấn đề này, từ đó có bộ máy tham mưu, quản lý phù hợp, để có thể chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu theo mục tiêu, yêu cầu, đảm bảo tính thích ứng, giảm nhẹ thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

 

Bốn là: Hiện nay có một số bộ, cơ quan ngang bộ kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh hoặc cụ thể hóa hơn một số chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bên trong để đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi, như:

 

+ Bộ Y tế đề nghị thành lập và nâng cấp tổ chức thành lập Tổng cục Vệ sinh an toàn thực phẩm trên cơ sở Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm; Cục Bảo hiểm y tế trên cơ sở Vụ Bảo hiểm y tế; Cục Y dược cổ truyền, Cục Phát triển nhân lực y tế.

 

+ Bộ Công Thương đề nghị: thành lập Tổng cục Năng lượng trên cơ sở các tổ chức quản lý nhà nước về năng lượng hiện có, Tổng cục Quản lý thị trường trên cơ sở Cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu trên cơ sở Vụ Xuất nhập khẩu.

 

+ Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị: thành lập Cục Thông tin cơ sở, Cục Viễn thông trên cơ sở Vụ Viễn thông, Cục An toàn thông tin.

 

+ Bộ Ngoại giao đề nghị: thành lập Cục Công nghệ thông tin trên cơ sở Trung tâm Thông tin; Cục Báo chí trên cơ sở Vụ Báo chí; nâng cấp Cục Lãnh sự (Cục hạng II) lên Cục hạng I.

 

+ Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị: thành lập Cục Doanh nghiệp khoa học - Công nghệ và Thị trường công nghệ.

 

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị: thành lập Vụ Dạy nghề thường xuyên thuộc Tổng cục Dạy nghề và sắp xếp, chuyển đổi loại hình một số tổ chức khác thuộc Bộ.

 

+ Bộ Tài chính đề nghị: sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ theo hướng quy định các vụ thuộc tổng cục không có phòng; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không quy định về việc thành lập tổ chức bộ máy; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ theo nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan thực hiện chính; tăng số lượng thứ trưởng và phó tổng cục trưởng đối với Bộ Tài chính.

 

+ Văn phòng Chính phủ: đề nghị về hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ công tác văn phòng đối với văn phòng các bộ, ngành, địa phương; công tác kiểm soát thủ tục hành chính và quản lý dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và một số chế độ đặc thù làm công tác văn phòng. Theo đó, đề nghị chuyển Trung tâm Tin học thành Cục Tin học, thành lập Trung tâm bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc Văn phòng Chính phủ.

 

Những tồn tại, hạn chế và kiến nghị nêu trên sẽ được nghiên cứu, xử lý trong cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIII; khi Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng bộ, ngành sẽ được xử lý những vấn đề chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và quyết định việc thành lập một số tổ chức theo đề nghị của các bộ, ngành.

 

Phần II

 

Phương hướng cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020

 

1. Đối với công tác tổ chức bộ máy ở Trung ương

 

a) Phương hướng chung:

 

- Rà soát và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Chính phủ, các bộ theo mục tiêu, yêu cầu cải cách hành.

 

- Tiếp tục cải cách cơ cấu tổ chức Chính phủ các khoá XIII, XIV, XV theo hướng định hình rõ số lượng và cơ cấu các bộ, cơ quan ngang bộ một cách hợp lý hơn theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp với vai trò, chức năng của Chính phủ, các bộ trong tình hình mới.

 

- Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền cấp tỉnh; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương trong quản lý phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

 

b) Yêu cầu cụ thể:

 

- Từ nay đến kết thúc nhiệm kỳ Chính phủ khoá XII rà soát, đánh giá và tổng kết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương để làm cơ sở cho việc đề xuất cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XIII theo mục tiêu, yêu cầu cải cách.

 

- Từ năm 2011 đến 2016 xây dựng và thực hiện cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XIII theo nguyên tắc, nếu thực tế yêu cầu phải có tổ chức mới thì thành lập cơ quan tương ứng cho phù hợp, nhưng đối với tổ chức nào xét thấy cần sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập thì làm rõ cơ sở luận cứ khoa học và thực tiễn để kiên quyết kiện toàn theo mục tiêu cải cách để tổ chức được tinh gọn, hợp lý hơn.

 

Căn cứ vào yêu cầu thực tế đòi hỏi, hình thành loại cơ quan hành chính thực thi (không thuộc cơ cấu tổ chức của Chính phủ), hoạt động độc lập theo quy định của pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

- Theo lộ trình điều chỉnh cơ cấu tổ chức Chính phủ các khóa đến khóa XV có thể ổn định số lượng, cơ cấu các loại bộ, cơ quan ngang bộ, để có thể giảm dần số bộ đến mức cần thiết; sắp xếp, chuyển đổi cơ bản cơ chế hoạt động độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp và cơ quan chuyên môn thuộc Chính phủ, bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao hơn.

 

2. Đối với công tác tổ chức bộ máy ở địa phương

 

a) Phương hướng chung:

 

- Nghiên cứu tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tách quản trị hành chính nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp, cơ quan chuyên môn hoạt động mang tính tác nghiệp hoặc cung ứng dịch vụ hành chính công trong từng ngành, lĩnh vực; theo đó, hình thành loại hình tổ chức phù hợp với chức năng và nội dung hoạt động mới thông qua hình thức đấu thầu, đặt hàng, đồng thời nghiên cứu mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã theo quy định của pháp luật.

 

- Cùng với việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh và phân biệt rõ cơ cấu chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

b) Yêu cầu cụ thể:

 

- Chuyển dần từ cơ chế phân cấp quản lý Trung ương - địa phương sang cơ chế trao quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đủ điều kiện, năng lực giải quyết những vấn đề phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường ở địa phương, đặc biệt là đối với những địa phương tự cân đối được ngân sách. Luật hoá quan hệ giữa Trung ương với chính quyền địa phương trên từng lĩnh vực cụ thể, thay cho cơ chế giao nhiệm vụ và chỉ đạo, kiểm tra việc tuân thủ, chấp hành sau phân cấp.

 

- Đối với những địa phương không đủ khả năng cân đối ngân sách, hoặc nằm trên địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng cần sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương thì nên có cơ chế phân cấp quản lý phù hợp, theo nguyên tắc phân định rõ chức năng, thẩm quyền và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quyết định những vấn đề đã được phân cấp.

 

3. Nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm tới

 

a) Nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đáp ứng tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI và tạo cơ sở pháp lý để cải cách cơ bản hơn hệ thống các cơ quan hành chính các cấp.

 

b) Xây dựng đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XIII theo yêu cầu, nâng cao hàm lượng cải cách để tổ chức được tinh gọn, hợp lý hơn. Theo đó, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thống nhất với cơ cấu tổ chức Chính phủ sau khi được điều chỉnh, sắp xếp lại.

 

c) Xây dựng, hoàn thiện thể chế tổ chức bộ máy, đặc biệt là ban hành Nghị định quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; các Nghị định riêng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ, nhất là đối với những bộ được sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức.

 

4. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh việc phân cấp quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương theo yêu cầu giảm mạnh quan hệ “xin - cho” trong việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

 

5. Nghiên cứu hình thành một cơ quan ngang tầm để thực hiện chức năng chủ sở hữu, và giám sát hoạt động đối với các doanh nghiệp nhà nước, để thực hiện việc tách căn bản giữa chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng quản lý của doanh nghiệp.

 

6. Hoàn thiện cơ chế quản lý đối với khu vực sự nghiệp công, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động cung ứng dịch vụ công.

 

7. Đẩy mạnh phân cấp quản lý gắn với giảm quan hệ “xin – cho” và kiểm soát thủ tục hành chính, trong việc thực hiện thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước.

TS. Vũ Văn Thái Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế, Bộ Nội vụ