Đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

11/11/2014 Lượt xem: 1220 In bài viết

Nổi bật trong công tác này là UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, kiện toàn Ban An toàn giao thông tỉnh; uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể trung tâm ngoại ngữ, tin học trực thuộc Sở, các trường trung cấp chuyên nghiệp và các trường do tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập. Tỉnh đã xem xét, sắp xếp kiện toàn tổ chức của cơ quan Ban Quản lý Vịnh Hạ Long; đổi tên Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Vũ Oai tỉnh thành Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh (thuộc Sở LĐ,TB&XH)… Cùng với đó, tỉnh xây dựng Đề án thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh và chỉ đạo 5 địa phương thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công; thành lập Nhà khách tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở sáp nhập Nhà khách UBND tỉnh và Nhà khách Tỉnh uỷ. Tỉnh cũng thành lập Tổ rà soát thủ tục hành chính phục vụ Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh; thành lập và đổi tên 13 đơn vị trực thuộc các sở, ngành, địa phương. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh căn cứ các quy định của bộ, ngành trung ương và tình hình thực tế của đơn vị để sắp xếp, bố trí lại các phòng chuyên môn đảm bảo theo đúng quy định.

Việc phân cấp quản lý đối với các ngành, lĩnh vực được tỉnh chú trọng thực hiện. Cụ thể như phân cấp quản lý cán bộ công chức cấp xã; chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; công tác quy hoạch; thu chi ngân sách; đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài của tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện đối với các nhiệm vụ đã phân cấp được chú trọng. Các cơ quan có thẩm quyền như Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở KH&CN đã định kỳ kiểm tra cơ sở, kịp thời phát hiện và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, giúp cơ sở làm tốt hơn công tác cải cách hành chính, nhất là giải quyết thủ tục hành chính đã được phân cấp.

Thực hiện cải cách bộ máy hành chính nhà nước, thời gian qua, Sở Nội vụ đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra công tác cải cách hành chính, trọng tâm là kiểm tra việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại một số cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Quá trình kiểm tra đã thấy được những ưu điểm cũng như những tồn tại, bất cập, từ đó kịp thời chấn chỉnh; đồng thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg (ngày 22-6-2007) của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các thủ tục được giải quyết qua bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”. Cụ thể, có 1.122 thủ tục hành chính cấp tỉnh; 230 thủ tục hành chính cấp huyện; 129 thủ tục hành chính cấp xã. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nơi đặt vị trí của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cơ bản đảm bảo theo quy định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị hành chính cấp huyện nào thực hiện mô hình “một cửa” theo hướng hiện đại.

Tỉnh đang triển khai xây dựng 6 trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh và các địa phương. Và theo lộ trình, các địa phương trong tỉnh đều có các Trung tâm dịch vụ hành chính công. Tỉnh đã tổ chức học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện Từ Liêm (TP Hà Nội) và các tỉnh Ninh Bình, Bắc Giang; mô hình chính quyền điện tử của thành phố Đà Nẵng, mô hình Trung tâm dịch vụ hành chính công của TP Liễu Châu (Trung Quốc), mô hình quản lý hành chính của Singapore... Tỉnh cũng tổ chức đón tiếp đoàn công tác của nhiều tỉnh đến học tập, trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính của tỉnh và được các tỉnh đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong công tác này.

Nhật Dạ (Nguồn: baoquangninh.com.vn)