Thủ tướng: Đẩy mạnh cải cách vì lợi ích chung của đất nước
28/05/2015 Lượt xem: 1969 In bài viếtNhững thủ tục nàogây cản trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp phải kiên quyết loại bỏ, phảisửa đổi vì lợi ích chung của đất nước. Cải cách hành chính không cần đầu tưnhiều nhưng góp phần đắc lực cho phát triển. Tôi sẽ trực tiếp làm việc với vớitừng Bộ, ngành về nội dung này - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Phát biểu kết luận
phiên họp Chính phủ tháng 5/2015 diễn ra hôm nay (27/5), nhấn mạnh những kết
quả đạt được là tích cực, tiềm năng cho phát triển còn rất lớn, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tinh thần chung là phải ra sức khắc phục hạn chế, yếu
kém còn tồn tại; thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động ứng phó với các tình
huống theo dự báo; không chủ quan thỏa mãn với những kết quả đạt được; đề cao
tinh thần trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục phấn đấu thực
hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra.
Tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô
Thủ tướng nêu rõ,
phải tiếp tục củng cố, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bởi đây chính là cái căn
cơ, cái nền tảng. Đi liền với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi
trường kinh doanh để thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư qua đó góp
phần cho tăng trưởng, tạo công ăn việc làm; không ngừng nâng cao sức cạnh tranh
của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Trong nội các dung
cụ thể liên quan đến đảm bảo kinh tế vĩ mô, phải kiểm soát tốt, giữ vững được
ổn định tỷ giá.
Thủ tướng nói: “Tỷ
giá không chỉ nhìn trong nước mà tỷ giá liên quan đến toàn thế giới, các nước
điều chỉnh tỷ giá đều ảnh hưởng tới chúng ta. Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi
sát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, đặc biệt phải luôn tính tới sự
ổn định vĩ mô”. Cùng với đó, trong điều kiện lạm phát thấp, phải tính toán duy
trì lãi suất phù hợp để đạt được mục tiêu kép là vừa giữ vững được ổn định kinh
tế vĩ mô, vừa hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Nhân đây, Thủ tướng
lưu ý, hiện thị trường bất động sản đã ấm lên, ngân hàng phải chịu trách nhiệm,
phải theo dõi sát, kiểm soát tốt nguồn vốn đầu tư nhằm tránh tình trạng “bong
bóng”, đổ vỡ, phát triển không lành mạnh của thị trường bất động sản như đã
từng xảy ra trước đây.
Thủ
tướng nhấn mạnh: "Những thủ tục nào gây cản trở, khó khăn cho người dân,
doanh nghiệp phải kiên quyết loại bỏ, phải sửa đổi vì lợi ích chung của đất
nước"
Liên quan đến công
tác cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải
thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ phải cố gắng đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính.
“Chúng ta đã làm và
đạt được những kết quả đáng mừng, được doanh nghiệp, nhân dân hết sức đồng tình
ủng hộ, bạn bè quốc tế cũng ủng hộ và đánh giá cao. Những thủ tục nào gây cản
trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp phải kiên quyết loại bỏ, phải sửa đổi
vì lợi ích chung của đất nước; ngược lại những gì phải quản lý cần đặt ra thêm
thì phải đặt ra để quản lý cho chặt chẽ, hiệu quả. Cải cách hành chính không
cần đầu tư nhiều nhưng góp phần đắc lực cho phát triển. Tôi sẽ trực tiếp làm
việc với với từng Bộ, ngành về nội dung này”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho
biết.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho SXKD, du lịch
Một nhiệm vụ lớn nữa
được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó
khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó hết sức quan tâm giữ cho
nông nghiệp phát triển ổn định, gắn liền với tái cơ cấu bằng giải pháp căn cơ,
mang tính chiến lược; cố gắng giúp đỡ nông dân trước khó khăn do hạn hán, khó
khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Về xuất nhập khẩu,
phải cố gắng hơn nữa trong mở rộng thị trường xuất khẩu, cùng với đó là tiếp
tục đẩy mạnh đàm phán, đi đến ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các đối
tác; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương thương mại tự do đã ký kết nhằm
phục vụ cho các mục tiêu phát triển.
Tập trung hơn nữa
việc rà soát, thúc đẩy tiến độ đầu tư, nhất là tiến độ đầu tư các công trình hạ
tầng trọng điểm (về giao thông, thủy lợi, điện,…), đi liền với tiến độ là phải
đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các công trình. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ
khó khăn, khuyến khích, tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư
từ các thành phần kinh tế khác.
Tiếp tục quan tâm,
thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt phải phát huy đà tăng trưởng
mạnh của công nghiệp chế biến, chế tạo; đồng thời chú trọng thúc đẩy phát triển
các ngành công nghiệp có biểu hiện sụt giảm, trong đó có công nghiệp khai khoáng.
Nhấn mạnh dịch vụ có
dấu hiệu chững lại chủ yếu do du lịch giảm sút, Thủ tướng yêu cầu các Bộ,
ngành, địa phương nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch - một ngành mũi nhọn của
nền kinh tế.
Tại phiên họp này,
Chính phủ đã thảo luận, nhất trí với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho
phát triển ngành du lịch Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình như
tạo thuận lợi trong cấp thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam; thành lập Quỹ
phát triển du lịch…
Về tái cơ cấu nền
kinh tế, Thủ tướng lưu ý tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông
nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín
dụng, doanh nghiệp nhà nước, trong đó đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh
nghiệp Nhà nước theo kế hoạch, phương án đã được duyệt của từng Bộ, ngành, địa
phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để bảo đảm thực hiện theo đúng lộ
trình. Đồng thời tiếp tục xử lý các khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh
nghiệp nhà nước. “Cổ phần hóa không phải là lấy tiền về cho ngân sách Nhà nước mà
quan trọng là nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ
tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp
Thực hiện tốt an sinh xã hội, tổ chức tốt kỳ thi quốc gia
Về văn hóa, xã hội,
Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, triển khai có
hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo, xây dựng
nông thôn mới. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, các
đối tượng chính sách xã hội. Quyết tâm thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế toàn
dân. Phát huy mạnh mẽ kết quả bước đầu trong nỗ lực thực hiện giảm quá tải bệnh
viện đi liền với nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc,
bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi
chung tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015.
Liên quan đến công
tác thông tin, truyền thông, các Bộ, ngành phải chủ động cung cấp thông tin về
tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của
Đảng và Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục
tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Chính trị
đã thông qua Đề án quy hoạch báo chí, các Bộ, ngành cần chủ động thực hiện; căn
cứ vào Đề án, đề xuất việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí.
Thủ tướng cũng yêu
cầu các Bộ, ngành chuẩn bị tốt báo cáo, tài liệu phục vụ báo cáo giải trình và
trả lời chất vấn Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII; các Bộ trưởng
tích cực tham gia các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, chủ động phát biểu,
cung cấp thông tin trung thực, chính xác cho các đại biểu Quốc hội cũng như cử
tri cả nước đối với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình.
Ngoài ra, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm củng cố
tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ
thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng tại phiên họp,
sau khi nghe các Bộ chức năng trình và các ý kiến góp ý, Chính phủ đã nhất trí
đối với một số vấn đề như vấn đề tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay của chủ
đầu tư đối với dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo
hình thức hợp đồng BT; thực hiện thí điểm bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ container
khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; báo cáo
tình hình triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số phát triển
thủy sản; báo cáo về một số khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp
Nhà nước.
Bộ
trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp
Thành viên Chính phủ bàn thảo giải pháp tháo gỡ khó khăn
Thảo luận tại phiên
họp, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian vào đi sâu vào đánh giá
phân tích những khó khăn trong nội tại nền kinh tế, dự báo tình hình trong nước
và thế giới, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện đồng bộ
các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tăng cường các biện
pháp trong liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường
xuất khẩu nông sản; thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế; tạo các điều kiện thuận lợi
cho du lịch phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch; việc
đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; nâng cao sức cạnh tranh của
nền kinh tế trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tập
trung cho đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư cũng như tiến độ của
các công trình hạ tầng trọng điểm;…
Theo Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thời gian qua, về tổng thể
ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ
cấu nông nghiệp đang được triển khai quyết liệt; song ngành nông nghiệp cũng
gặp những khó khăn nhất định, trong đó lớn nhất là tình hình hạn hán kéo dài ở
miền Trung và Tây Nguyên, một số mặt hàng nông sản khó tiêu thụ,… đã gây ra
những tác động tiêu cực đối với ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Cao Đức
Phát khẳng định sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện sâu rộng,
hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã được đề ra về tái cơ cấu nông nghiệp; đồng
thời đẩy nhanh quá trình hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất lớn; chuyển
đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở những vùng khô hạn cho phù hợp với điều kiện
đất đai, thổ những; thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản
xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các
mặt hàng nông sản;…
Bộ trưởng Bộ Công
Thương Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với
các Bộ, ngành hữu quan trong tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là
thị trường xuất khẩu những sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, cà
phê, cao su, thủy sản, rau quả các loại, đồng thời sẽ kiểm soát tốt việc nhập
khẩu các mặt hàng nông sản từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam.
Phân tích nguyên
nhân khách du lịch vào Việt Nam ít hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan,
Singapore,…, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng
một trong những nguyên nhân chính vẫn là chính sách miễn thị thực của nước ta
chưa thông thoáng so với các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn
Anh kiến nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, nghiên cứu mở rộng, tăng thêm số
lượng các quốc gia mà Việt Nam thực hiện chính sách miễn thị thực cho du khách
cũng như tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất
lượng du lịch, dịch vụ.
Đồng tình với các
giải pháp do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề xuất nhằm tiếp thúc đẩy phát
triển du lịch, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng Phùng Quang Thanh cho rằng phải thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế
mũi nhọn; cần thiết phải xem xét, tháo gỡ những điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn
về thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều
du khách vào Việt Nam. Đồng thời đàm phán, mở đường bay thẳng từ Việt Nam tới
những quốc gia có lượng khách du lịch cao.
Bày tỏ sự nhất trí
với việc mở rộng miễn thị thực cho du khách vào Việt Nam, đặc biệt là đối với
các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam, lãnh Bộ Công an khẳng định ngành
Công an có đủ sức để đảm bảo an ninh trật tự khi mở rộng du lịch.
Ngoài ra, vấn đề về
tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy phát triển công nghiệp-dịch vụ; tạo
thuận lợi để thu hút doanh nghiệp về đầu tư tại khu vục nông thôn; đào tạo nghề
và giải quyết việc làm cho người lao động; đẩy mạnh cải cách hành chính, chế độ
công chức, công vụ; chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến trên Biển Đông và các
biện pháp đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng
của Tổ quốc… cũng là những nội dung lớn được nhiều thành viên Chính phủ đề cập
tại cuộc họp.
Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc (Nguồn: chinhphu.vn)